Người bị đau lưng có chạy bộ được không?
Ngày đăng: 27/09/2024
Hiện nay, đau thắt lưng không chỉ là vấn đề sức khỏe của riêng người lớn tuổi mà còn là triệu chứng thường gặp ở giới trẻ, đặc biệt là trong nhóm tuổi từ 25 – 30 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng, phổ biến là:
-
Do tính chất công việc thường xuyên ngồi lâu, ít vận động hoặc lao động sai tư thế điều này đã vô tình gây ra các áp lực lên cột sống, khiến cột sống bị chấn thương hoặc thoái hóa sớm.
-
Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên cột sống thắt lưng và cơn đau lưng xuất hiện.
-
Bệnh lý về xương khớp và cột sống: thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp, loãng xương, hội chứng đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia)…
-
Chấn thương, lao động, tai nạn, té ngã hoặc hoạt động thể lực gắng sức quá mức.
Vậy người bị đau lưng có chạy bộ được không?
-
Khi bị đau lưng ngoài việc nên tiếp cận đúng phương pháp chẩn đoán điều trị nguyên nhân gây đau, người bệnh không nên nằm yên tại chỗ mà cần vận động nhẹ nhàng nhằm đẩy lùi quá trình thoái hóa của các đĩa đệm, cơ, khớp, xương ở lưng. Hơn nữa, nếu chăm chỉ luyện tập, người bệnh còn cảm thấy triệu chứng đau giảm rõ rệt, chất lượng cuộc sống từ đó cũng tăng đáng kể. Tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây đau lưng mà người bệnh lựa chọn môn thể thao phù hợp. Mỗi bài tập, mỗi động tác đều có mục đích riêng.
-
Trên thực tế, một số người bị đau lưng đã tìm đến môn chạy bộ, vì đây là loại hình thể thao dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, bộ môn này chỉ thực sự tốt khi người chạy bộ trên đoạn đường bằng phẳng với một cường độ luyện tập phù hợp. Khi đó, nó phát huy tác dụng tăng cường khả năng vận động và độ chắc khỏe cho xương khớp, cải thiện hệ tuần hoàn máu, góp phần giảm đau hiệu quả.
Ngược lại, nếu chạy bộ trên đoạn đường xóc với tốc độ chạy quá nhanh hoặc khoảng cách bước chạy không phù hợp sẽ tạo ra những tác động xấu đến cột sống vùng lưng, làm cho các cơ căng nhiều hơn, khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng.
Trường hợp cơn đau lưng tăng lên sau mỗi lần chạy bộ, người bệnh nên dừng lại và thay thế bằng các bài tập khác nhẹ nhàng hơn, đồng thời cũng cần đi khám ngay để bác sĩ tư vấn cụ thể về các bộ môn thể thao nên tập luyện.
Các môn thể thao tốt cho người bị đau lưng
Các bệnh nhân đau lưng nên chú ý luyện tập với cường độ vừa phải, tránh thực hiện bài tập có động tác gây áp lực lên cột sống như kéo đẩy tạ hoặc chơi các môn thể thao có động tác xoay lưng mạnh như tennis, cầu lông. Thay vào đó, người bị đau lưng có thể lựa chọn một số môn thể thao có lợi cho sức khỏe như:
Đi bộ: Bộ môn này không gây ra các tác động mạnh đến vùng lưng. Mỗi ngày chỉ cần dành ra 30 phút đi bộ, sau một thời gian cơ thể sẽ trở nên khỏe khoắn hơn, các cơ khớp vận động linh hoạt và dẻo dai hơn. Tuy nhiên, cần đảm bảo đi bộ đúng tư thế: thả lỏng người, lưng thẳng, ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng, đi lại nhẹ nhàng, mang giày phù hợp.
Yoga: Trong nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, kết quả khảo sát trên một nhóm 320 người tập yoga trong 12 tuần cho biết các cơn đau lưng đã được cải thiện đáng kể. Tập yoga hỗ trợ làm giãn các cơ, tránh căng cứng, giúp người bệnh cảm thấy linh loạt, khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu luyện tập, bạn nên có giáo viên hướng dẫn để tránh bị sai tư thế, ảnh hưởng đến xương khớp.
Bơi lội: Đây được xem là một môn thể thao hỗ trợ chữa bệnh đau lưng hiệu quả. Khi bơi, chân và cột sống hầu như không chịu bất kỳ tác động nào từ trọng lượng cơ thể. Đặc biệt, trong quá trình bơi, các nhóm cơ lưng được củng cố, các khớp được nuôi dưỡng tốt hơn, đẩy lùi quá trình thoái hóa khớp, giảm tần suất tái phát bệnh. Vì vậy, người bị đau lưng nên bơi lội đều đặn 2 – 3 lần/tuần.
Việc tập luyện đúng và thường xuyên các bài tập này có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên để chấm dứt hẳn căn bệnh đau lưng cấp và mạn tính, người bệnh cần đi khám chuyên khoa Trị liệu Thần kinh cột sống, cơ xương khớp để được thăm khám và định hướng điều trị.